Công nghệ

Xe đạp Asama

CÔNG NGHỆ E-THRU & E-THRU BOOST
2022-09-06 13:15:32 - 13408

Đối với những ai mới bắt đầu làm quen với bộ môn xe đạp địa hình, khi tìm hiểu về xe thì sẽ gặp khó khăn ít nhiều khi đọc hiểu hàng loạt thông số kỹ thuật. Từng bộ phận như thế nào, nằm ở vị trí nào trên xe, cùng một chi tiết nhưng tại sao ở xe này với xe kia khác nhau, có phải loại nào cũng phù hợp với xe của bạn hay không? Chính vì thế, ASAMA mong muốn chia sẻ với bạn những kiến thức căn bản về các bộ phận, linh kiện của xe đạp. Bài viết này sẽ bắt đầu với: đùm của xe đạp địa hình.

Đùm nằm ở giữa bánh xe, nối vành xe bởi căm xe, giúp bánh xe xoay quanh trục đỡ cố định. Tương ứng với bánh trước và bánh sau của xe đạp, đùm trước và đùm sau hoàn toàn khác nhau. Đùm trước được thiết kế đơn thuần giúp bánh xe quay được. Tuy nhiên đùm sau lại đóng vai trò như một phần của bộ truyền động, tham gia vào cơ chế chuyển động do líp được gắn trực tiếp vào đùm sau.

Đùm trước

Trục trước có 3 loại căn bản:

1. Đùm khóa nhanh QR

            

Đùm có chiều dài 100mm, dùng loại trục nhỏ có khóa đường kính 5mm. Thường được sử dụng trên các dòng xe địa hình căn bản và hoặc dòng trung cấp đời cũ. Loại đùm này rất dễ dàng tháo lắp bánh xe, phù hợp để di chuyển trên địa hình bằng phẳng và gồ ghề nhẹ. Bạn có thể dễ dàng mua được ở các cửa hàng phụ tùng xe đạp với giá rẻ.

Tuy nhiên, trường hợp bạn có ý định di chuyển trên địa hình phức tạp hoặc thực hiện các động tác kỹ thuật chuyên thì đây không phải là một lựa chọn tốt, do trục khóa nhanh rất nhỏ, dễ bị cong khi phải chịu tác động lực lớn. Nếu bạn bất cẩn khóa lỏng trục khóa nhanh và thực hiện Wheelie ngẫu hứng, bánh trước của bạn cũng có thể “ngẫu hứng” chạy trước xe.

2. Đùm trục 15mm

Đùm dài 100mm, sử dụng loại trục lớn đường kính 15mm. Loại trục cho đùm này có thể là trục tháo lắp nhanh hoặc dung lục giác để tháo. Trục thường đi kèm với phuộc, dễ dàng thấy trên những dòng xe địa hình cao cấp và những dòng xe mới. Bạn cũng có thể sử dụng trục 5mm nếu có đầu chuyển trục (tuy nhiên ASAMA khuyến khích bạn dùng trục phù hợp với đùm để đảm bảo hiệu quả tốt nhất).

Để tháo bánh bạn cần phải rút hoàn toàn trục ra khỏi phuộc nên khi đùm bị lỏng thì bánh xe vẫn cố định trên sườn xe, an toàn hơn khi xe đi qua địa hình khó hoặc thực hiện các động tác kỹ thuật. Đùm trục 15mm có giá cao và hiện nay vẫn chưa được bày bán nhiều ở các tiệm phụ tùng xe đạp Việt Nam.

3. Đùm Boost

Boost là công nghệ mới được áp dụng cho dòng xe đạp địa hình vài năm trở lại đây và bắt đầu phổ biến thành loại trục tiêu chuẩn thay thế cho trục 100x15mm từ năm 2016. Bạn có thể thấy Boost được áp dụng trên các mẫu xe mới nhất của các hãng xe. Chiều dài của đùm được mở rộng ra mỗi bên 5mm, giúp tăng góc nghiêng của căm và làm cho bánh xe cứng chắc hơn.

Tại thị trường xe đạp Việt Nam, Boost còn khá mới mẻ. Rất khó để bạn có thể mua được loại đùm này ở các cửa hàng phụ tùng xe đạp thông thường.

*Nếu bạn muốn nâng cấp đùm trước, bạn không cần phải thay đổi cả sườn xe mà chỉ cần thay đổi phuộc trước. Trên phuộc của các hãng uy tín đều có ghi thông số kích thước đùm để bạn tham khảo và mua theo đúng yêu cầu.

Trục sau

1. Đùm khóa nhanh QR

Độ dài của đùm là 135mm và sử dụng trục nhỏ 5mm. Về cơ bản, loại đùm này giống với đùm trước khóa nhanh QR. Thường được sử dụng trên các dòng xe địa hình căn bản và hoặc dòng trung cấp đời cũ, dễ dàng tháo lắp bánh xe, dễ dàng mua được ở các cửa hàng phụ tùng xe đạp với giá rẻ.

2. Đùm trục 142mm x 12mm

Loại đùm này được xem là tiêu chuẩn trước năm 2017, khoảng cách giữa 2 phần xỏ căm trái phải không thay đổi, chỉ thay đổi chiều dài trục cốt và thay đổi đường kính cốt là 142mm x 12mm.

Để dùng được loại đùm này, sườn phải có kích thước phù hợp với chiều dài của đùm và đường kính lỗ phù hợp để đưa trục vào. Khoảng rộng sườn được tăng lên 142mm giúp có thể gắn được lốp xe rộng hơn và loại trục này cũng giúp cho bánh xe cố định trên sườn.

3. Đùm Boost

Tương tự đùm trước, đùm sau Boost cũng đã dần trở thành tiêu chuẩn mới thay thế cho đùm 142mm. Mỗi bên tăng thêm 3mm, gia tăng khoảng rộng giữa 2 phần xỏ căm lên 6mm, tạo thêm góc nghiêng cho căm và làm tăng độ cứng của niềng. Sườn cũng được mở rộng ra 148mm để có thể gắn lốp lớn hơn so với 142mm.

Nếu muốn nâng cấp xe sử dụng đùm sau Boost, bạn phải thay khung sườn khác và mua các phụ tùng có công nghệ Boost thì xe mới hoạt động mượt và đồng bộ. Điều này tương đương với việc bạn phải bỏ ra nhiều chi phí thay thế. Bên cạnh đó, đùm sau Boost và các phụ tùng liên quan rất khó để mua được ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên cái bạn đổi lại là chất lượng và độ cứng không chê vào đâu được.

Xe đạp của bạn dùng loại đùm nào?

1. Đo kích thước sườn

Nếu bạn dùng đùm khóa nhanh QR thì không cần phải đo.

Còn nếu dùng đùm trục khác hoặc Boost, hãy đo khoảng cách sườn nơi gắn đùm xem kích thước tương ứng với chiều dài của loại đùm nào.

2. Trục gắn đĩa thắng

Sau khi xác định được kích thước đùm, tiếp theo bạn phải xác định nhu cầu sử dụng đĩa thắng loại nào. Có 2 loại đĩa thắng: đĩa 6 ốc và đĩa Center lock.

+ Đĩa 6 ốc thì dùng trên đùm có 6 lỗ gắn ốc tiêu chuẩn

+ Đĩa center lock gắn trên đùm center lock, không dùng ốc để gắn với nhau

Vòng gắn đĩa ở mỗi mã đùm chỉ tương thích với 1 loại, hoặc đĩa 6 ốc hoặc đĩa center lock. Tùy theo loại đĩa bạn muốn dùng để lựa chọn tương ứng.

3. Cối líp

Cối líp cơ bản có 2 loại:

+ Cối líp tiêu chuẩn (thường được nhiều người gọi chung là cối Shimano). Cối tiêu chuẩn sử dụng líp 8,9,10 và líp 11 tầng của Shimano.

+ Cối líp XD (thường được gọi chung là cối Sram). Cối XD thì sử dụng lip 11 tầng của Sram và líp 12 tầng. Chỉ sử dụng được các loại líp nguyên khối của Sram, các loại líp tiêu chuẩn khác không gắn được.

Bạn phải lựa chọn líp và đùm có cối líp tương ứng.