Công nghệ

Asama Việt Nam

CÔNG NGHỆ 3 STAGES
2022-11-02 12:50:48 - 7430

   

Công nghệ 3 STAGES được áp dụng trên dòng xe 2 phuộc của Asama, dựa trên khái niêm "3 stages" - khái niệm về các giai đoạn hành trình giảm sốc của khung sườn 2 phuộc. Qua đó, hiệu quả giảm sốc của khung sườn 2 phuộc được tối ưu, giúp các tay lái dòng xe này dễ dàng đạt được tốc độ cao.

Khác với các dòng xe phổ thông, xe địa hình 2 phuộc phải thường xuyên đi trên đường địa hình khó và chịu lực rất nhiều từ mặt đường. Chính vì vậy, sườn của dòng xe này phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các tiêu chuẩn xe đạp, đặc biệt, hệ thống giảm sốc của khung sườn và phuộc phải được thiết kế để giảm tối đa lực tác động lên khung sườn.

Nhiều người hay lầm tưởng nhiệm vụ nhún là của phuộc sau, tuy nhiên phuộc sau chỉ là công cụ để nén và làm tiêu hao lực tác động. Sự thật là hệ thống giảm sốc chính của xe 2 phuộc do khung sườn quyết định. Chính xác hơn là cách đặt các vị trí trục xoay, tạo ra một hệ thống đòn bẩy ở phần khung sau giúp giảm sốc theo nhiều giai đoạn.

   

NGUYÊN TẮC ĐÒN BẨY CĂN BẢN

Để dễ hiểu hơn về nguyên tắc hoạt động của hệ thống đòn bẩy trên xe thì trước tiên chúng ta cần hiểu về nguyên tắc của đòn bẩy thông thường.

Để nâng được chiếc hộp, bạn cần đè thanh A xuống. Thanh A càng ngắn, bạn càng phải đè nhiều lực hơn mới nâng được chiếc hộp. Ngược lại, nếu thanh A càng dài thì bạn sẽ càng ít tốn sức để nâng chiếc hộp lên.

Tỷ lệ đòn bẩy được tính như sau:

Số A càng lớn thì kết quả phép tính càng cao.

Từ ví dụ ta có thể thấy: thanh A càng dài thì lực đè xuống càng nhẹ.

Suy ra: số tỷ lệ đòn bẩy càng cao thì lực cần tác động càng nhẹ và ngược lại.

   

HỆ THỐNG ĐÒN BẨY Ở XE ĐẠP

Ở xe đạp, cấu trúc của hệ thống đòn bẩy phức tạp hơn nhưng cách hoạt động vẫn tuân theo nguyên tắc hoạt động của đòn bẩy cơ bản (tỷ số đòn bẩy).

Điểm màu đen là trục xoay trên sườn xe (điểm tựa đòn bẩy).

Khi mặt đường tác động lên bánh xe thì bánh xe sẽ nâng lên và ép phuộc xuống. Thanh ngang màu xanh càng dài thì lực ép xuống phuộc càng mạnh và hết hành trình của phuộc.

Ngược lại nếu ngắn hơn thì lực ép xuống phuộc càng yếu và sẽ không ép hết hành trình phuộc do không đủ lực.

Đây là mô phỏng lý thuyết cơ bản, tỷ lệ đòn bẩy không thay đổi khi chuyển động. Trên thực tế, khung sườn xe đạp phức tạp hơn rất nhiều. Các khớp xoay được đặt thêm ở các vị trí khác nhau nên khi chuyển động, tỷ lệ đòn bẩy sẽ tự thay đổi giảm dần để giảm áp lực lên phuộc nhún, hạn chế phuộc bị dập vì chịu lực quá mạnh. Bên cạnh đó, mỗi mẫu xe được nâng cấp lên theo nhiều cách khác nhau nhằm đạt độ hiệu quả khi chạy trên địa hình phức tạp.

   

HỆ THỐNG ĐÒN BẨY Ở XE ĐẠP ASAMA

Ở xe 2 phuộc của Asama, các khớp xoay được nghiên cứu và tính toán kỹ càng, tạo ra một hệ thống đòn bẩy có 3 giai đoạn nhún với tỷ lệ đòn bẩy khác nhau, giúp đạt hiệu quả cao nhất cho cả lúc đạp đường phẳng, đạp đường dằn sốc hoặc đổ đèo.

Giai đoạn 1: từ 0% đến 20% của hành trình nhún – tỷ lệ đòn bẩy tăng để tăng độ nhạy.

Người lái ngồi lên xe và trọng lượng của người lái đè nhún xuống đến mức hành trình này (đây gọi là mức SAG trọng lượng của người ngồi lên xe). Theo biểu đồ, ở mức 20% tỷ lệ đòn bẩy tăng lên so với mức 0% làm cho hệ thống khung sườn nhún nhẹ hơn.

   

Giai đoạn 2: từ 20% đến 30% của hành trình nhún – tỷ lệ đòn bẩy >20% chống nhịp nhún khi đạp (anti-squat), tăng hiệu quả khi đạp xe và hỗ trợ phuộc trong trạng thái êm nhất.

Ở quá trình nhún từ 20% đến 30% tỷ lệ đòn bẩy giữ nguyên mức nhẹ nhất, giúp hấp thụ những lực sốc nhỏ khi đi trên đường có những mô đất hoặc đá nhỏ; khử rung động từ mặt đường, giúp cho người lái có thể đạp lướt mà không bị rung chấn tác động tới bàn đạp; hạn chế tình trạng trượt giày khỏi bàn đạp.

Ngoài ra, khi ở giai đoạn này các cơ cấu hoạt động của giò đạp và lực kéo của sên cùng với các vị trí trục xoay của khung sườn nằm ở vị trí khác so với lúc hành trình phuộc ở 0%, giúp cho xe hạn chế bị tình trạng nhịp nhún khi đạp xe. Trường hợp xe bị nhịp nhún khi đạp, bạn sẽ mất nhiều sức lực khi đi đường xa.

Giai đoạn này rất quan trọng trong lúc đạp xe leo dốc. Ở những đoạn dốc cao và gồ ghề, đòi hỏi xe phải vừa nhún êm khi lướt qua những đất đá rễ cây mà vừa phải giữ độ ổn định không bị nhịp nhún khi nhấn bàn đạp xuống.

   

Giai đoạn 3: từ 30% đến 100% của hành trình nhún – càng nhún sâu thì độ nhún sườn càng cứng.

Giai đoạn này áp dụng cho lúc đổ đèo. Phần còn lại của hành trình nhún sẽ cứng lại rất nhanh do tỷ lệ đòn bẩy giảm nhanh từ mức 30%. Khi bạn chạy với tốc độ nhanh ở những đoạn đường địa hình khó có nhiều tảng đá lớn thì giai đoạn này sẽ giúp hấp thụ dằn sốc lớn. Phuộc càng cứng dần khi gần hết hành trình để hạn chế tối đa tình trạng bị dập phuộc.

Tình trạng bị dập phuộc thường xảy ra khi bạn bay nhảy cao và tiếp đất rất mạnh. Lực tác động lớn này rất hại cho phuộc sau, thậm chí khi sử dụng phuộc lò xo (loại phuộc có độ nén rất cứng) vẫn có thể gặp tình trạng trên. Hệ thống đòn bẩy trên xe 2 phuộc Asama có tỷ lệ nhún giảm rất nhanh khi càng nhún sâu, giúp cho phuộc sau của xe rất khó dập phuộc. Bạn không cần phải bơm thêm khí vào phuộc để tăng độ nén.

   

Tóm lại, hệ thống đòn bẩy của xe hai phuộc Asama đáp ứng được những yếu tố cần thiết nhất cần có trên dòng xe này, đó là:

- Hấp thu lực sốc nhỏ

- Chống nhịp nhún khi đạp

- Hấp thu lực sốc mạnh hiệu quả cao

- Chống tình trạng dập phuộc sau, tăng độ an toàn cho xe khi chịu tác động mạnh

- Giúp cho phuộc sau luôn ổn định, hệ thống đòn bẩy hỗ trợ cho phuộc sau luôn trong trạng thái êm nhất trên mọi đoạn đường